Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Tìm hiểu hiện tượng "Lên đồng" dưới cách tiếp cận xã hội học về hành động xã hội


                          NGUYỄN VĂN KHỞI [1]

Lên đồng” là một hiện tượng tín ngưỡng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện tại các tình Miền Bắc. “Lên đồng” không chỉ là một hiện tượng tôn giáo đơn thuần mà nó còn là một hiện tượng xã hội xét trong tương quan so sánh giữa người – người, người- thần linh. Một hiện tượng xã hội cần phải được lý giải dựa trên những cách tiếp cận khác nhau thì mới có thể làm sáng tỏ một hiện thực khách quan đó.

1.      Hành động xã hội trong xã hội học tôn giáo
Hành động xã hội theo Max Werber là hành động được gán cho một ý thức chủ quan của cá nhân khi tương tác xã hội. Hành động xã hội không xẩy ra khi cá nhân chưa ý thức về hành động của mình. Hành động xã hội phải gắn với sự tương tác giữa các cá nhân, cộng đồng, xã hội trong một bối cảnh xã hội nhất định. Chính bối cảnh tạo ra cho họ những cách thức ứng xử nhất định phù hợp với điều kiện tùy thuộc vào bản ngã của các cá nhân. Mọi người có thể nhận ra hành động của một người đi lễ chùa trong mối tương tác với Thần Phật. Cái ý thức được mổ xẻ ở đây đó là cái niềm tin, cái ý niệm về Đấng tối cao có khả năng đem đến sức mạnh cho chính họ. Họ tin vào Đấng tối cao của họ, họ tin vào những gì siêu phàm của Đấng tối cao có thể cứu rỗi và phù phép cho họ được những gì mà họ mong muốn. Có những niềm tin về Đấng tối cao rất khác nhau. Nhưng thật sự duy lý mà nói thì cái quy định trong tâm thức của những người theo tôn giáo chính là những giá trị đạo đức thân tín, sự mến phục về Đấng tối cao. Chúng ta có thể đúng khi nói về cả tôn giáo đa thần và tôn giáo độc thần. Nếu như tôn giáo độc thần đề cao giá trị đạo đức thân tín của một Đấng tối cao, thì tôn giáo đa thần sẽ là những giá trị đạo đức thân tín của sự tổng hòa đạo đức trong mối quan hệ giữa các thần. Hành động xã hội trong xã hội học tôn giáo được các nhà xã hội học Max Weber tiếp cận với những lý giải về cái được gọi là “loại hình lý tưởng”: “Cũng trên bình diện phương pháp luận, với phương pháp “loại hình lý tưởng” (type idéal) – là “một loại hình thuần túy” được xây dựng bằng cách nhấn mạnh một số nét của một hiện tượng xã hội nhất định. Các nét này không nhất thiết phải tồn tại ở nơi nào đó trong thực tại. Các đặc trưng này đang hình thành, không nhất thiết là những nét mong muốn”- mà M. Weber đã dùng để phân loại các hành động xã hội, các loại hình quyền lực, ông cũng đã sử dụng để phân tích các hình thái cộng đồng tôn giáo và đưa ra sự phân loại: giáo hội và giáo phái mà ngày nay các nhà xã hội học vẫn sử dụng”[2]. Tiếp cận theo hướng tiếp cận xã hội học tôn giáo của Max Weber, ông lựa chọn một thái độ bất khả tri về mặt phương pháp luận (agnosticisme mesthodologique). Nghiên cứu giá trị là để hiểu được (compréhension, verstehen), lĩnh hội, nắm chắc được ý nghĩa trong hành động của con người. Lĩnh hội là một giai đoạn quan trọng trong việc giải thích: “Chúng tôi gọi xã hội học là một khoa học nhằm hiểu được hành động xã hội bằng sự lý giải (interprétation) và thông qua đó giải thích nhân quả về diễn tiến và ảnh hưởng của hành động xã hội” (ES,4).[3] Từ những cách tiếp cận hành động xã hội của Max Weber trong việc tiếp cận hiện tượng “lên đồng” ta thấy “lên đồng” là một loại hình lý tưởng trong mối quan hệ với thần linh nhờ vào sự tồn tại và phát triển của nó như một dấu hiệu cho sự tìm ra hình thức quy định trong giá trị của hành động xã hội. Xã hội học phải tìm ra được cái ý thức chủ quan của con người trong hiện tượng này. Việc tìm ra yếu tố của ý thức chủ quan của con người trong hành động xã hội ứng với hiện tượng “lên đồng” trong bài viết này sẽ góp phần trong việc tìm ra cái quy định trong ý thức chủ quan của con người là cái gì?


2.      Lịch sử ra đời hiện tượng “lên đồng”.
Lịch sử hiện tượng “lên đồng” xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh của đạo Mẫu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Từ truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh tên là “Quỳnh Nương Công Chúa” con gái Ngọc Hoàng Thượng Đế, phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc nên bị dày xuống trần gian và đầu thai trong một gia đình ở làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định. Mẫu Liễu Hạnh ba lần xuống trần gian tại ba địa điểm khác nhau. Lần thứ nhất đầu thai vào gia đình nhà họ Phạm năm 1434 đời vua Lê Thái Tông ở làng Nấp (tức Quảng Nạp, còn gọi là thôn Vĩ Nhuế, nay thuộc Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định). Bà tên là Phạm Thị Nga, đầu thai vào nhà họ Phạm, không lấy chồng, ở vậy nuôi dưỡng bố mẹ già. Hai mươi năm sau, bố mẹ qua đời, bà lập chùa đi tu. Năm 40 tuổi, bà qua đời, trở về thiên đình. Dân làng Nấp lập phủ thờ Bà gọi là Phủ Nấp. ( Bùi Văn Tam, 2001). Lần thứ hai, thì đầu thai tại làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, tỉnh Nam Định (nay là làng Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đầu thai vào gia đình ông Lê Thái Công năm Thiên Hựu thứ 9 đời vua Lê Anh Tông, bà vợ ông có mang đã qua kỳ sinh mà mắc bệnh nặng, chữa mãi không khỏi. Có một đạo sĩ tới giúp, làm phép cho ông làm mộng lên thiên đình. Tại đây ông chứng kiến Đệ Nhị Tiên Chúa Quỳnh Nương phạm lỗi làm vỡ chén ngọc bị đày xuống trần gian. Khi ông tỉnh giấc, vợ ông vừa trở dạ sinh được một người con gái. Đêm ấy có hương tỏa ngát trong nhà, nhớ lại giấc mộng, ông đặt tên con gái là Giáng Tiên. Cô gái lớn lên nhan sắc xinh đẹp lạ thường, có đủ tài văn, thơ, đàn nhạc. Ông bà Lê Thái Công gả con gái cho Đào Long, con nuôi của bạn ông là Trần Công. Vợ chồng Giáng Tiên sinh được hai con thì ngày 3/3, Giáng Tiên không bị bệnh gì mà mất, mới 21 tuổi. Nàng đã hết hạn đi đày, phải trở về trời. Vì còn nặng trần duyên, nàng luôn sầu não, có xin vua cha cho tái hợp với gia đình. Vua cha đồng ý phong nàng là Liễu Hạnh Công Chúa. Khi cha mẹ và chồng mất, con cái đã trưởng thành, Liễu Hạnh đi mây về gió, hóa phép để đùa cợt người đời, khi thì thành bà già tựa cây trúc ven đường, khi thì hóa thành cô gái đẹp trong quán trọ. Nàng lên Sơn biến thành người đẹp họa thơ thách đố với Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan, về Hồ Tây họp bạn văn chương với danh sĩ họ Phùng, Ngô, Lý, Rồi về làng Sóc, Nghệ  An. Ở đây nàng kết hôn với một thư sinh nhưng chỉ ít lâu lại về trời. Ở Thiên Cung, nàng khao khát cuộc sống trần gian. Vua cha phải chiều nàng nhưng lần này có thêm hai cô Quế và Thị cùng giáng trần tại Phố Cát (Thanh Hóa). Nàng vẫn tác oai tác quái. Dân lập đền thờ. Vua chúa cho quân đến dẹp, phá tan đền cảu Liễu Hạnh, nhưng sau đó nàng cho bệnh dịch tràn nan.Triều đình hoảng sợ cho dân lập đền thờ tại Phố Cát sắc phong Mã Hoàng Công Chúa. Sau đó nàng giúp vua đánh giặc phong tặng Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương. (Ngô Đức Thịnh, 2007).
Từ bối cảnh lịch sử đó, tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh mơi được hình thành và ngày càng phát triển cho đến ngày nay. Cùng với sự ra đời của tín ngưỡng này là sự xuất hiện của hiện tượng “Lên đồng”. Theo truyền thuyết kể lại thì, Công chúa Liễu Hạnh- con gái Ngọc Hoàng nhiều lần nhập hồn vào dân lành và tác oai tác quái, nhiều lần chữa bệnh cho cộng đồng, giúp đỡ ban phát cho những  người nghèo khổ. Chính sự nhập hồn vào dân lành như thế làm phát sinh hiện tượng “Lên đồng”. Trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh có những nhiều người theo hầu hạ Công chúa Liễu Hạnh. Họ cũng là những vị thần tiên theo tương truyền. Có người là con gái Long Vương, có người là con gái Sơn Tinh và vô số các tỳ nữ Thiên đình theo hầu hạ Liễu Hạnh Công chúa nên tín ngưỡng trở thành một hệ thống các vị thần từ lớn tới nhỏ. Ứng với hầu hết các vị thần đó là những giá đồng. Có tất cả 32 giá đồng ứng với 32 vị thần. Theo dân gian tương truyền thì mỗi vị thần này đầu thai xuống trần gian vào những người cụ thể có công với triều đình...
3.      Hiện tượng “lên đồng” xét trong mối quan hệ giữa con người với thần linh.
Trong tôn giáo, người ta thường tìm trong mối quan hệ con người với thần thánh cái quy định cốt lõi của nó. Trong mối quan hệ này người ta phải quy phạm giá trị tôn giáo thuộc hình thức tôn giáo nào. Một thực chất khao học giải thích hiện tượng tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh trong nhiều cuộc hội thảo và đi vào thống nhất hiện tượng “lên đồng” như một hình thức Shaman giáo. Theo GS Ngô Đức Thịnh trong công trình nghiên cứu: “Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận” đã đưa ra những đặc tính của của những người “lên đồng”:
Thứ nhất, họ là những người nhạy cảm trước những biến đổi của môi trường, nhất là môi trường xã hội, trong mối quan hệ với mọi người, tính tình thay đổi thất thường, vui đấy nhưng cũng buồn đấy, khi cần, họ có hành động khá quyết đoán. Tính cách này, dân gian thường gọi là tính “đồng bóng”.
Thứ hai, những người này thường có khả năng về nghệ thuật, nhất là khả năng múa, hát, âm nhạc. Do vậy, khi ra đồng, dù chưa có thời gian học và luyện tập nhưng có thể trình diễn Lên Đồng khá thuần thục. Nhiều cô bé, cậu bé chỉ mới 7-8 tuổi nhưng Lên Đồng, vào vai thần linh nhập vào họ và hành động.
Thứ ba, Sau khi trở thành ông Đồng, bà Đồng, về cơ bản họ sinh sống như mọi người, tuy nhiên cũng phải tuân thủ một số kiêng kỵ, nhất là vào dịp lễ tiết. Thí dụ như kiêng kỵ nhiều người trong họ vẫn có gia đình, có vợ chồng như bao người khác.
Thứ tư, Lên Đồng của người Việt, cũng giống như Kút của người Hàn Quốc, chủ yếu là hiện tượng nhập hồn (possession) của thần linh nhiều lần, phân khác với các hiện tượng Shaman của người Xibêri chủ yếu là xuất hồn của thầy Shaman hay then của người Tày vừa xuất hồn vừa nhập hồn.
Có sự khác nhau trong các quan điểm khoa học về hình thức Shaman giáo trong tôn giáo. Shaman giáo thực chất là hiện tượng tôn giáo đặc thù trong mối quan hệ giữa con người với thần linh. Trong đó con người và thần linh có sự phù hợp nhất định về cái được gọi là “vô hình”. Con người được thần linh ban tặng cho một số phép thuật có thể làm những việc mà người bình thường không thể làm được. Quá trình mà thần linh ban tặng cho họ những phép thuật này được gọi là quá trình nhập hồn tức là con người có thể bị chi phối bởi những hành động của thần linh hoặc thần linh nhập vào người đó để làm những việc của thần linh. Hoặc hình thức vừa nhập hồn vừa xuất hồn trong Then của người Tày. Hoặc hiện tượng xuất hồn của các thầy Shaman “Xuất hồn là quá trình hồn của các thầy Shaman thoát khỏi thân xác để đi vào giao tiếp với các thần linh hay linh hồn của những người đã chết[4]. Nhà tôn giáo học nổi tiếng người Nga đã khẳng định: “Vấn đề là ở chỗ cách hiểu hiện tượng Lên Đồng Shaman có hai mặt: Một mặt, một mặt coi có thần nhập vào thầy pháp Shaman, mặt khác, cho rằng hồn thầy pháp Shaman bay tới cõi thần thánh. Nguồn gốc phát sinh lọa quan điểm thứ nhất chúng ta đã xem xét. Còn những gì liên quan tới quan niệm thứ hai cho rằng hồn thầy pháp chu du tới cõi thần thánh thì nguồn gốc của nó không kém rõ ràng: Khi Lên Đồng thầy pháp thường ngã ngất đi, điều đó làm cho người ta hiểu là hồn thầy bay đi thật[5].
Xét trong mối quan hệ giữa con người với thần linh từ hiện tượng “lên đồng” tức là chúng ta đi lý giải hiện tượng “lên đồng” như một hình thức tôn giáo riêng. Hiện tượng “lên đồng” là một hiện tượng mà con người bị thần linh điều khiển để thực hiện những công việc tượng trưng cho những cảnh tượng y nguyên cảnh tượng của thần linh. Những cảnh tượng này chủ yếu là những hành động sinh hoạt bình thường của thần linh. Có thể lấy ví dụ về những cảnh này như cảnh tượng đào măng trong giá đồng Chầu Bé, cảnh tượng chèo đò trong giá đồng Cô Ba v.v... Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng xuất phát từ hình thức vui chơi của vua chúa. Những cảnh vui chơi, thưởng thức phong cảnh thiên nhiên đã được con người hình tượng hóa thành những hình thức hầu đồng mang tính tượng trưng chỉ có ở Đạo Mẫu nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh nói riêng.
Xã hội học xem tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh như một thiết chế tôn giáo trong mối quan hệ của con người với thần linh. Xã hội học có nhiệm vụ lý giải các hiện tượng phát sinh và phát triển của tín ngưỡng này trong mối quan hệ của con người với thế giới thần linh tức là coi những hành động của con người không chỉ có sự chi phối của thế ý thức bản ngã cá nhân  mà còn bị chi phối bởi những giá trị được tạo bởi thần linh hay còn gọi là ý thức Shaman.  Khác với bất cứ các hình thức tôn giáo khác trong hệ thống tôn giáo đặc điểm chính của tín ngưỡng này chính là sự có mặt và quyết định đến sự tồn tại và phát triển của tín ngưỡng này chính là cái gọi là cái ý thức Shaman. Ý thức Shaman là một bộ phận của ý thức tôn giáo quy định sự tồn tại của các giá trị tín ngưỡng này. Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh là một tín ngưỡng tôn giáo hiện sinh được coi là một hình thức Shaman giáo với đặc trưng bởi ý thức Shaman. Ý thức Shaman chính là hiện sinh bởi một thế lực thần linh chi phối con người trong khi họ vẫn ý thức được mình là con người thực. Xã hội học lý giải hiện tượng giao hòa giữa con người với thần linh và tìm ra cái ý thức con người khi đó bị chi phối bởi cái gì? Ý thức Shaman với ý thức bản ngã cá nhân  hiện thực trong trường hợp này có mối quan hệ như thế nào? Bài viết này từng bước lý giải hiện tượng “lên đồng” để tìm ra những câu trả lời cho những câu hỏi đó.
Xã hội học tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh như một hình thức tôn giáo, thiết chế tôn giáo chi phối đến cá nhân, cộng đồng, xã hội. Lý giải hình thức tín ngưỡng này trong mối giao hòa giữa con người và thần linh quả thực là một việc rất khó. Khi chúng ta đụng chạm đến vấn đề này nghĩa là chúng ta đã đi vào thế giới của hư ảo mà bất kỳ khoa học nào cũng cảm thấy khó khăn khi tiếp cận. Nhưng đối với xã hội học thì hiện tượng phải được quy giản thành những hiện tượng gắn với những hành động của con người thì mới có thể có những lý giải phù hợp với bối cảnh xã hội. Xã hội học xem xét mối quan hệ của con người hiện thực với thần linh trong ý thức hệ bản ngã cá nhân ý thức hệ Shaman tức là nhà xã hội học lý giải hành động, hành vi xã hội của con người trong bối cảnh tín ngưỡng này.
Xem xét mối quan hệ giữa con người với thần linh trong tín ngưỡng này thông qua hiện tượng “lên đồng” cho phép chúng ta có thể nhận định toàn diện về mặt xã hội của tín ngưỡng này. Cái cốt yếu quy định mối quan hệ giữa con người và thần linh là sự hòa hợp giữa những giá trị, chuẩn mực, niềm tin chịu sự quy định bởi ý thức hệ tôn giáo. Người ta có thể nhìn nhận trong mối quan hệ này chính là sự khâm phục và tin vào sự cứu rỗi của thần linh đối với cá nhân, cộng đồng. Theo cách tiếp cận dân gian người ta tin vào cái gọi là “căn” và “số”. Hai giá trị này tạo ra những giá trị mà buộc họ gắn với tín ngưỡng này. Theo dân gian thì “căn” chính là sự phù hợp về tuổi tác, ngày, giờ sinh của con người với thần linh. “Số” chính là sự gắn kết của một con người với một giá trị nhất định chịu sự quy định của thần linh. “Số” như là một cái tiền định quy định con người có sự phù hợp với tín ngưỡng này không tức là “căn”. Người ta nói rằng người nào có “căn” thì ắt phải theo tín ngưỡng và hầu đồng như là một khách quan. Trường hợp không biết là mình có “căn” thì sẽ có một số biểu hiện của việc buộc người ta phải tìm tòi và biết được. Vậy thì cái yếu tố nào quy định việc người ta theo hay không theo tín ngưỡng này? Có những hiện tượng được lý giải thông qua những lý giải hiện thực nhân sinh hoặc lý giải khoa học về những hiện tượng tôn giáo theo cách thức tìm hiểu sự hình thành, phát sinh, phát triển và lụi tàn của nó. Trong mối tương quan xã hội giữa con người với con người chúng ta sẽ mổ sẻ vấn đề và tìm hiểu trong xã hội thông qua tín ngưỡng này. Theo tôi cái quy định hiện thực tôn giáo này chi phối xã hội chính là niềm tin – cái mà họ tin theo giá trị của con người được hiện thực theo thần linh. Giá trị con người đó là những giá trị hiện thân của một vị “Thánh” đầu thai xuống trần gian. Giá trị con người còn được thể hiện thông qua sự bần cùng hóa tôn giáo, bần cùng hóa con người trong việc tìm ra lối thoát. Tôn giáo, tín ngưỡng là sự cứu thoát trước những bần cùng tôn giáo. Một ý nghĩa có thể giải thích cho hiện tượng “lên đồng” chính là sự niềm tin và sự tuân thủ vô hình trong thế giới thần linh. Người ta chưa thể lý giải được hiện thực của thế giới thần linh là gì? Dân gian cũng chưa thể lý giải được tại sao lại có cái người ta gọi là “căn”. Nghiên cứu trong cộng đồng và lịch sử cộng đồng sẽ giúp chúng ta có thể tìm hiểu và giải thích phần nào được giá trị của hiện tượng này. Xét hiện tượng “lên đồng” trong mối quan hệ giữa con người với thần linh dựa vào ý thức Shaman như là một hình thức nghiên cứu tiền định lý giải trong bối cảnh con người chịu sự chi phối và quyết định bởi thần linh. Trong những nghiên cứu của GS Ngô Đức Thịnh về “lên đồng” đã chứng minh được sự bần cùng của con người, niềm mong muốn tìm được sự giải cứu và người ta đã tìm được sự giải cứu trong việc thờ Mẫu và “hầu đồng”. Theo tôi ở đây chính là sự hiện thực cái ý thức Shaman đó trong thực tế. Người ta có thể tin vào thế giới siêu thực đó. Con người khi “lên đồng” không phải là thần thánh nhưng những hành động họ làm lại chịu sự quy định của thần thánh. Người “lên đồng” tìm thấy sự cứu rỗi khi họ đắm chìm trong những hành động đó. Quan sát hiện tượng “lên đồng” chúng ta có thể thấy được hành động “lên đồng” một phần là hành động của thần linh được con người trình bày, một phần là hành động của chính cá nhân người “lên đồng”. Sự phân chia này làm cho hiện tượng “lên đồng” linh thiêng hơn vừa hư vừa thực. Như vậy cái quy định hành động của người “hầu đồng” chính là ý thức về thần linh hay gọi là ý thức Shaman và ý thức bản ngã cá nhân tronglên đồng”.
4.      Hiện tượng “lên đồng” xét trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Thời cổ đại, con người sống trong những cái người ta gọi là “bể khổ”. Con người sinh ra vốn có “tội”, cái tội xuất phát từ truyền thuyết về Adam và Êva ăn phải trái cấm trong rừng. Ngày nay, con người cũng chưa thể nào tìm ra được những lý giải về cái vô thức của thế giới thần thánh. Người ta vẫn tin vào thần thánh và các Đấng tối cao trong việc đem lại cho con người cuộc sống hạnh phúc và yên bình, không đau khổ, không bệnh tật. Người theo tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh tin vào sự giải cứu của một vị thần đó là Mẫu Liễu Hạnh. Cũng giống như những tôn giáo khác, tín ngưỡng thờ Mẫu có những cái người ta gọi là cái thế tục. Người ta vẫn chưa tìm ra cái quy định trong các mối quan hệ giữa thần thánh với con người. Nhưng chúng ta trở lại lịch sử xem xét thì rõ ràng tín ngưỡng này có sự phát sinh và phát triển mang tính thế tục của nó. Người dân có thể đúng khi họ lập các đền thờ để phụng sự, để sinh hoạt văn hóa. Xã hội học xem những ngôi đền thờ là một thiết chế tôn giáo, những thiết chế văn hóa để con người có nơi để sinh hoạt tôn giáo. Đền thờ Mẫu là một không gian công cộng, là nơi mà con người và thần linh có mối giao hòa. Vì thế người ta gọi đó là chốn linh thiêng. Mục đích cuối cùng của con người khi lập ra đền thờ đó là để bày tỏ biết ơn sự cống hiến của thần thánh với cộng đồng người, những việc làm như cứu giải bệnh tật, giúp đỡ cộng đồng hoặc sự tôn kính những thần linh đó. “Lên đồng” xét trong mối quan hệ giữa con người và con người tức là đi tìm hiểu ý thức của con người về hiện tượng này được thể hiện như thế nào? Có thể nói rằng “lên đồng” là sản phẩm văn hóa được kiến tạo bởi một nền nông nghiệp lúa nước. “Lên đồng” là một hình thức sinh hoạt văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu – một tín ngưỡng đặc trưng thờ Mẹ của người Việt. Sinh hoạt “lên đồng” giúp gắn kết những con người trong cộng đồng trong hệ thống cộng đồng làng – xã. Tìm hiểu mối quan hệ con người trong “lên đồng” sẽ giúp chúng ta có những kiến giải tại sao “lên đồng” tồn tại giống như một hình thức sinh hoạt văn hóa của cộng đồng tôn giáo. Khảo sát mối quan hệ giữa những người theo tín ngưỡng này người ta thấy một điều rằng trong cộng đồng có sự thay đổi nhất định. Thay đổi trong đời sống, trong nếp sống và trong phong cách sống. Hầu như trong một cộng đồng làng – xã thì có những người theo tín ngưỡng và những người không theo tín ngưỡng này nhưng tính cố kết cộng đồng không bị suy giảm. Người ta tôn trọng nhau trong việc theo hoặc không theo tín ngưỡng này.
Một mặt thứ hai khi xem xét mối quan hệ giữa con người với con người trong tín ngưỡng này chính là đi tìm mối quan hệ nội tại trong nhóm những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Xem xét mối quan hệ này tức là chúng ta quy giản và phân chia thành những nhóm nhỏ để nắm rõ đặc tính của những nhóm người này. Từ đó rút ra những yếu tố quy định trong những mối quan hệ giữa họ. Trong nhóm những người theo tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh ta có thể chia thành hai nhóm người chính. Đó là nhóm những người “hầu đồng” và nhóm những người không “hầu đồng”. Nhóm những người “hầu đồng” là những người có “căn” thường xuyên thực hiện “lên đông” và nhóm những người không “hầu đồng” là những người thường xuyên đi lễ không thực hiện “lên đồng”. Nếu đặc trưng của những người “lên đồng” là có sự tin tưởng tuyệt đối vào những giá trị thực của thần thánh, nhóm những người này thường phải thực hiện những hành động “lên đồng”. Nhóm những người này đa số là những người chủ đền, theo tín ngưỡng lâu năm, lớn tuổi và rất thành thạo những công việc liên quan đến “hầu đồng”. Người ta thường gọi những người này là “thanh đồng”. Nhóm những người không thực hiện “hầu đồng” chủ yếu là những người thường xuyên đi lễ nhưng không có “căn”. Đặc trưng của nhóm người này là những người dân thường tin đi cầu may, cầu tài, cầu lộc. Họ ít có những hiểu biết về tín ngưỡng này, không có sự thích thú nhiều với hiện tượng “hầu đồng”. Xét về mối quan hệ giữa hai nhóm xã hội này ta thấy được nhóm những người thường xuyên “hầu đồng” có lòng tin tuyệt đối vào tín ngưỡng hơn nhóm những người không “hầu đồng”. Vì vậy mà xét trong bối cảnh những tín đồ của tín ngưỡng này thì ta có thể thấy được nhóm những người thường xuyên “hầu đồng” có quyền lực hơn những người không “hầu đồng”. Thứ quyền lực ở đây chính là quyền lực đại diện thần thánh, quyền lực chi phối, ảnh hưởng tới những người khác.
Nói tóm lại thì giá trị trong hành động “lên đồng” được thể hiện qua ý thức chủ quan bị chi phối bởi những con người thực. Ý thức chủ quan trong “hầu đồng” thể hiện thông qua cách hiểu, cách cảm nhận và cách tin của từng cá nhân thể hiện thông qua các hành động của mình xét trong mối quan hệ của con người với thần linh và mối quan hệ của con người với con người.

Tài liệu tham khảo
·        Nguyễn Xuân Nghĩa (2007), Xã hội học tôn giáo của Mar Weber và tính thời sự của nó, Tạp chí Tôn giáo, số 2.
·        Đặng Nghiêm Vạn (2007), Tôn giáo hay tín ngưỡng?, Tạp chí Tôn giáo, số 1
·        Ngô Đức Thịnh (2007), Lên đồng – Hành trình của thần linh và thân phận, NXB Trẻ.
·        Bùi Văn Tam (2001), Phủ dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh, NXB Văn hóa Dân tộc – Hà Nội.


[1] Sinh viên ngành Xã hội học, Đại học Đà Lạt
[2] Xã hội học tôn giáo của Max Weber và tính thời sự của nó. Nguyễn Xuân Nghĩa. Tạp chí Tôn giáo. 2007, tr 2.
[3] Xã hội học tôn giáo của Max Weber và tính thời sự của nó. Nguyễn Xuân Nghĩa. Tạp chí Tôn giáo. 2007, tr 2.
[4] Lên Đồng – Hành trình của thần linh và thân phận – Ngô Đức Thịnh. NXB Trẻ. Tr 95
[5] Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. X.A. Toocarev. NXB Chính trị quốc gia. H. 1994.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét