Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

VĂN HÓA GIA ĐÌNH


                                                                                                     Lê Ngọc Văn
Từ hướng tiếp cận xã hội học về văn hóa, tác giả bài viết đưa ra cách hiểu về khái niệm văn hóa gia đình: những đặc trưng, quy luật hình thành và phát triển; cấu trúc, chức năng; đối tượng và các nội dung nghiên cứu của văn hóa gia đình. Hướng tiếp cận xã hội học về văn hóa gia đình co thể giúp cho các nhà nghiên cứu xã hội học gia đình có thêm những cơ sở khoa học cho việc triển khai các công trình nghiên cứu văn hóa gia đình và sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Văn hóa gia đình là một nội dung quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu gia đình. Nghiên cứu văn hóa gia đình giúp chúng ta có cơ sở khoa học để hiểu đúng bản chất và truyền thống của gia đình Việt Nam, thấy được những nét tương đồng và khác biệt giữa gia đình Việt Nam với gia đình các dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó chúng ta có thể tìm kiếm những giải pháp và chiến lược phát huy vai trò to lớn của gia đình trong việc giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc, góp phần củng cố sự bền vững của gia đình, giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế, nuôi dưỡng, giáo dục và cung cấp nguồn lực con người đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghiên cứu văn hóa gia đình còn giúp chúng ta hiểu được bản chất văn hóa Việt Nam, bởi vì gia đình Việt Nam là một thiết chế nền tảng của xã hội Việt Nam truyền thống, có chức năng lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.