Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

LÝ THUYẾT "TRUNG TÂM VÀ NGOẠI VI" TRONG NGHIÊN CỨU KHÔNG GIAN VĂN HÓA

GS. TS. Ngô Đức Thịnh
(Viện Nghiên cứu văn hoá)
1. Từ thuyết "truyền bá" đến thuyết "trung tâm và ngoại vi"
Thuyết "trung tâm" trong nghiên cứu văn hoá đã được các nhà nghiên cứu thuộc trường phái "Truyền bá luận" (diffutionisim) Tây Âu đưa ra từ các thập kỉ cuối thế kỉ XIX đầu XX, mà các đại diện chính của trường phái này là các nhà nghiên cứu Đức - Áo, như L. Frobenius, F.Ratsel [5], F. Grabner [1], W. Schmidt [6]. Họ chủ trương rằng, các sáng tạo văn hoá của nhân loại bao giờ cũng xuất phát điểm từ một nơi, thuộc một cộng đồng nào đó, rồi sau đó lan truyền đi các nơi khác và chính sự lan truyền ấy tạo nên động lực của sự phát triển văn hoá nói riêng và của xã hội nói chung. Điều đó cũng có nghĩa là, đối với một số cộng đồng, sự tiến bộ văn hoá chủ yếu do vay mượn chứ không phải do sự sáng tạo độc lập của cộng đồng ấy [4]. Cũng phải nói thêm rằng, trước các nhà "truyền bá luận", nhiều nhà nghiên cứu đã nói tới các hiện tượng "thiên di", "lan toả", "mô phỏng" văn hoá, tức là đề cập tới một thuộc tính cơ bản của văn hoá, đó là sự giao lưu, ảnh hưởng, là sự chia xẻ các giá trị văn hoá.