Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

BÀN VỀ VĂN HÓA KINH DOANH

Nguyễn Trần Bạt
Văn hóa luôn là môi trường tinh thần của cuộc sống trong bất cứ cộng đồng xã hội nào. Văn hóa kinh doanh cũng vậy, càng ngày xã hội càng nhận thức được vai trò quan trọng của nó trong đời sống, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi nói đến văn hóa kinh doanh, người ta vẫn có nhiều cách hiểu rất khác nhau.
 1. Tính tất yếu của văn hóa kinh doanh
Văn hóa luôn là môi trường tinh thần của cuộc sống trong bất cứ cộng đồng xã hội nào. Văn hóa kinh doanh cũng vậy, càng ngày xã hội càng nhận thức được vai trò quan trọng của nó trong đời sống, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi nói đến văn hóa kinh doanh, người ta vẫn có nhiều cách hiểu rất khác nhau. Có quan điểm cho rằng: Nói đến kinh doanh là nói đến những hoạt động thu lợi nhuận mà để có lợi nhuận, con người thường có xu hướng xâm hại đến lợi ích của người khác. Còn nói đến văn hóa là nói đến cái tốt, cái đúng, nói đến đạo đức, thẩm mỹ và những gì tốt đẹp nhất. Cho nên cần phải làm thế nào đó để đưa nhân tố văn hóa vào kinh doanh để làm cho hoạt động kinh doanh lành mạnh hơn và ngược lại, đưa các nhân tố kinh doanh vào văn hóa mà không làm tổn hại đến văn hóa. Cách hiểu như vậy đưa đến một kết luận là muốn cho hoạt động kinh doanh lành mạnh thì phải đưa các yếu tố văn hóa vào đời sống kinh doanh. Điều đó có nghĩa là, phải xây dựng văn hóa kinh doanh. Chính vì thế mà trong xã hội đang xuất hiện phong trào xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, với mục đích là dùng yếu tố văn hóa để gia tăng giá trị thẩm mỹ và đạo đức cho cộng đồng kinh doanh.

Ở đây chúng tôi tiếp cận vấn đề theo cách khác. Theo quan điểm của chúng tôi, khi con người gieo hành vi tất yếu sẽ có văn hóa. Văn hóa chính là kiểu dáng, chất lượng của hành vi, là vũ điệu, là âm nhạc của hành vi. Văn hóa giống như những hạt phù sa lắng đọng một cách tự nhiên trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Văn hóa kinh doanh cũng như văn hóa nói chung, là một tất yếu. Bởi vì kinh doanh là một hoạt động bản năng của con người, là quá trình diễn ra liên tục trong đời sống con người. Những gì lắng lại sau các chuỗi hành vi liên tục ấy chính là văn hóa kinh doanh. Trong kinh doanh luôn có mặt yếu tố văn hóa, chúng luôn đan xen và có tác động qua lại. Vấn đề là phải nhận biết được văn hóa kinh doanh mà chúng ta đang có như thế nào. Văn hóa  kinh doanh ấy lạc hậu hay tiên tiến? Văn hóa ấy có khả năng thúc đẩy một cách tích cực sự phát triển của hoạt động kinh doanh hay sự phát triển của nền kinh tế không? Văn hóa kinh doanh ấy có khuyết tật gì làm cản trở sự phát triển của cộng đồng kinh doanh không?
Văn hóa, nhìn chung, hình thành từ sự tích lũy kinh nghiệm sống của một cộng đồng, một dân tộc, do đó văn hoá chính là cuộc sống. Quá trình hình thành văn hóa là một quá trình tự nhiên và khách quan. Văn hóa thể hiện sự chấp nhận lẫn nhau và chấp nhận sự bình đẳng giữa các thành tố cấu tạo ra cuộc sống, nói cách khác, nếu không có sự chấp nhận lẫn nhau và bình đẳng giữa các thành tố cấu tạo ra cuộc sống thì không có văn hoá lành mạnh. Trong quá trình đi đến sự chấp nhận đó chắc chắn không thể thiếu sự đấu tranh bình đẳng của các thành tố. Yếu tố đảm bảo sự hợp pháp của quá trình đấu tranh và hoà hợp giữa các yếu tố của cuộc sống không gì khác chính là tự do. Tự do đem lại cho con người sự phong phú về nhận thức và đến lượt mình, sự phong phú về nhận thức sẽ tạo ra sự đa dạng về khuynh hướng. Trong một môi trường có sự bình đẳng giữa các khuynh hướng, con người được tự do nhận thức và đi đến thoả thuận. Trạng thái tự do sẽ là động lực cho sự sáng tạo của con người và chính những đóng góp đẹp đẽ đó của con người đã tạo ra nền văn hóa lành mạnh với tư cách là sản phẩm của tự do. Ở đâu nền văn hóa có tính đa dạng, ở đâu sự tồn tại của các khuynh hướng của cuộc sống được tôn trọng thì ở đó có tự do và khi đó văn hóa là hệ quả của tự do. Văn hóa ấy hỗ trợ cuộc sống và chính là môi trường tinh thần của tất cả những gì còn lại của cuộc sống. Ngược lại, nếu tác động vào văn hóa theo xu hướng áp đặt bằng các công cụ quyền lực sẽ phá vỡ qui luật hình thành tự nhiên của văn hóa. Sự can thiệp này đe dọa đến tính đa dạng tự nhiên của văn hóa, mà xét về bản chất, chính là tiêu diệt tính đa dạng của đời sống tinh thần của con người. Khi bị áp đặt về nhận thức thì con người phản ánh một cách đơn giản về cuộc sống. Sự phản ánh cuộc sống một cách đơn giản của con người bằng cả hành vi lẫn tư duy, đến lượt mình, tạo ra sự đơn giản của nền văn hóa hay tạo ra một nền văn hóa phi tự nhiên.
Văn hóa kinh doanh cũng vậy, nếu được hình thành theo những qui luật tự nhiên của văn hóa, nó sẽ trở thành một môi trường tinh thần lý tưởng cho hoạt động kinh doanh. Ngược lại, nếu được hình thành từ những đòi hỏi phi tự nhiên, những kế hoạch phi tự nhiên trong việc quản lý đời sống kinh doanh chắc chắn sẽ trở thành một loại văn hóa phi tự nhiên, gây ra rất nhiều hậu quả nguy hiểm cho đời sống kinh doanh.
2. Đặc điểm văn hóa kinh doanh Việt Nam
Văn hóa kinh doanh được hình thành từ hai phương diện cơ bản của cuộc sống là văn hóa và kinh tế. Về mặt kinh tế, văn hóa kinh doanh phản ánh toàn bộ các hoạt động của đời sống kinh doanh trong nền kinh tế, chính vì vậy sự hình thành của văn hóa kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào những đặc điểm của đời sống kinh doanh và trạng thái của nền kinh tế.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có những đặc điểm chung của nhóm quốc gia này, đó là nền kinh tế vẫn chưa được giải phóng một cách thật sự ra khỏi sự ràng buộc của chính trị. Chính trị vẫn tiếp tục can thiệp đáng kể vào đời sống kinh doanh hàng ngày. Điều này rất dễ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế. Chính trị thuộc về thượng tầng kiến trúc của đời sống xã hội, nó thường biến đổi liên tục do thay đổi chu kỳ cầm quyền từ những nhà chính trị này sang những nhà chính trị khác. Một hệ thống chính trị sẽ được điều hành, một nguyên lý sẽ được vận dụng rất khác nhau tuỳ theo cá nhân các nhà chính trị. Nếu như để cho đời sống kinh doanh lệ thuộc quá nhiều vào chính trị thì mọi hoạt động của đời sống kinh doanh sẽ quay cuồng như người ta thay đổi bản nhạc. Chẳng hạn như việc lựa chọn mô hình kinh tế. Các mô hình kinh tế hiện nay vẫn được lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn chính trị nhiều hơn là các tiêu chuẩn hay đặc thù kinh tế. Sự lựa chọn mô hình kinh tế có ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống, bởi vì chọn mô hình kinh tế nào, người ta sẽ phải đào tạo người lao động theo mô hình ấy. Người ta cũng phải đào tạo các nhà quản lý, xây dựng hệ thống pháp luật và xây dựng môi trường cho đời sống kinh doanh dựa vào các đòi hỏi của mô hình đã chọn. Nếu mô hình kinh tế thay đổi theo những nguyên lý chính trị khác nhau của từng chu kỳ cầm quyền thì sẽ kéo theo sự thay đổi trên nhiều mặt của cuộc sống, khiến cuộc sống trở nên bất ổn. Hơn nữa, mỗi một mô hình kinh tế nếu được lựa chọn dựa trên các tiêu chuẩn chính trị mà không phù hợp với đặc thù kinh tế thì sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế không hiệu quả và đi kèm theo nó là một loạt các hệ quả ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh doanh.  
Bên cạnh đặc điểm chung đã nêu, nền kinh tế Việt Nam còn có một số đặc thù do lịch sử để lại. Trong giai đoạn kiến thiết đất nước sau khi giành được độc lập, do những nhận thức không đầy đủ, chúng ta đã nhầm lẫn về khái niệm sở hữu. Trong một thời kỳ dài, nền kinh tế được xây dựng theo định hướng xoá bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất tức là loại bỏ kinh tế tư nhân. Sai lầm này đã để lại hậu quả trên nhiều mặt của đời sống xã hội mà trước tiên là nền kinh tế. Việc loại bỏ sở hữu tư nhân đã kéo theo sự phát triển phi tự nhiên của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân là môi trường thuận lợi cho các khuynh hướng đa dạng của cuộc sống sinh sôi và phát triển. Nếu được phát triển một cách tự nhiên, kinh tế tư nhân sẽ giúp con người tự thân phát triển, con người có cơ hội tự hoàn thiện vì sự phát triển của chính nó và thông qua đó tạo ra sự phát triển của xã hội. Kinh tế tư nhân Việt Nam tồn tại trong những điều kiện bất lợi như vậy đã không có cơ hội phát triển. Một khi kinh tế cá nhân không có cơ hội để phát triển thì các giá trị cá nhân hầu như tan biến, con người sẽ trở nên mờ nhạt trong mọi khía cạnh của đời sống vật chất cũng như tinh thần. Sự phát triển lệch lạc của nền kinh tế như vậy đã tác động không nhỏ đến sự hình thành và phát triển tự nhiên của văn hóa kinh doanh.
Có thể thấy một trong những nhược điểm của văn hóa kinh doanh Việt Nam là chúng ta không có truyền thống kinh doanh, một lợi thế của cộng đồng kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào. Xuất phát từ sự phát triển không liên tục của nền kinh tế do chịu nhiều tác động chủ quan, hoạt động kinh doanh đã không tạo ra được chuỗi thành tựu liên tục để có thể hình thành truyền thống kinh doanh. Các giá trị văn hóa trong kinh doanh do chịu nhiều tác động đã không thể hình thành một cách tự nhiên. Tâm lý kinh doanh cũng chịu nhiều sự tác động và trở thành một thứ tâm lý hỗn hợp. Hiện nay, khi ra phố, chúng ta có thể thấy người Việt Nam buôn bán rất nhộn nhịp, nhưng đấy là tâm lý kiếm lời chứ không phải tâm lý kinh doanh. Nếu chỉ có tâm lý kiếm lời một cách nhanh chóng thì không thể có nền kinh tế chuyên nghiệp được và nền kinh tế đó sẽ giống như một cái chợ mà người ta mang hàng hóa từ chỗ khác đến bán chứ không phải là nơi sản sinh ra các sản phẩm.
Cũng chính vì không có truyền thống kinh doanh nên cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một nhận thức đầy đủ về lý tưởng tạo ra các giá trị gia tăng trong nền kinh tế và trong hoạt động kinh doanh. Việt Nam hiện nay chưa có cái gọi là các yếu tố cấu thành một nền kinh tế theo đúng nghĩa, tức là tạo ra giá trị gia tăng trên quy mô tổng thể của toàn xã hội và cả nền kinh tế. Có thể lấy ví dụ về quá trình sản xuất nông nghiệp, vốn là nguồn sống của khoảng 80% người dân Việt Nam. Thóc gạo của nhân dân thường được thu mua với giá rẻ, xuất khẩu với giá cao. Trong khi tạo ra một sự gia tăng bằng đầu cơ lúa gạo như vậy thì chúng ta lại tạo ra một giá trị gia giảm trong quá trình nhập vật tư cần thiết cho nông nghiệp. Hai quá trình này được tiến hành bởi những cơ quan và tổ chức khác nhau cho nên người ta không nhận thức được sự gia tăng thật sự của kinh tế nông nghiệp. Cơ quan thống kê và các cơ quan chức năng cũng chưa bao giờ ghép hai quá trình này làm một để thông báo về tính không gia tăng của quá trình sản xuất. Bản chất của khoa học kinh tế là khoa học về các lợi ích. Làm gia tăng các giá trị cụ thể là yếu tố không thể thiếu của quá trình kinh doanh là mục tiêu của kinh doanh. Nếu không xác định được mục tiêu của kinh doanh thì sẽ không thể có kinh tế phát triển.  
Trong quá trình hình thành, ngoài những đặc điểm kinh tế, văn hoá kinh doanh còn chịu sự tác động của các đặc điểm văn hóa. Văn hóa ở Việt Nam giống như nhiều quốc gia đang phát triển, đang ở trong trạng thái lạc hậu và khép kín. Chúng ta luôn lo sợ bị mất bản sắc văn hóa do sự cọ sát và tương tác giữa các nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Chúng ta luôn luôn có một bản năng đề kháng, ngăn chặn sự mất mát bản sắc. Bản năng này dường như đã trở thành một loại phản ứng tự nhiên phổ biến trong các quốc gia mà năng lực cạnh tranh kém một cách tổng thể hoặc một cách tương đối. Nền văn hóa khép kín và chưa được giải phóng ra khỏi các định kiến chính trị ấy không được tiếp nhận một cách tự nhiên các yếu tố mới và do đó không thể đóng góp nghĩa vụ của mình trong đời sống hiện tại và cả đời sống phát triển. Chừng nào nền văn hóa ấy chưa được cải cách, chưa trở thành nền văn hóa mở thì những yếu tố lạc hậu tương đối mang tính bản chất của nó vẫn tiếp tục xâm nhập và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống. Văn hóa kinh doanh, chính vì thế, cũng mang trên nó những yếu tố lạc hậu của nền văn hóa. Hệ quả là văn hóa kinh doanh ngay từ khi hình thành đã mang cả tính phi tự nhiên và tính lạc hậu. Đó chính là nguyên nhân khiến văn hóa kinh doanh hiện nay chưa thể trở thành một môi trường tinh thần lý tưởng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng kinh doanh.
Sự phát triển phi tự nhiên và lạc hậu của văn hóa kinh doanh đã để lại một hậu quả là chúng ta chưa có đội ngũ doanh nhân đích thực. Trong suốt tiến trình phát triển, so với nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... dân tộc ta chưa bao giờ có được một tầng lớp doanh nhân theo đúng tên gọi của nó. Vai trò và thực lực của tầng lớp doanh nhân trong lịch sử dân tộc vốn đã hết sức mờ nhạt, chúng ta không có những doanh nhân xuất sắc để phát triển kỹ nghệ và thúc đẩy thương nghiệp. Người Việt Nam bằng lòng với những con thuyền nan quanh quẩn trên sông hồ mà quên đi cái bao la của đại dương. Thời kỳ thuộc Pháp, một số nhà doanh nghiệp dân tộc xuất hiện nhưng vấp phải sự cạnh tranh dữ dội của tư bản chính quốc nên phần lớn không thể đứng vững và phát triển. Tiếp sau những ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, sự chèn ép của đế quốc thực dân, những sai lầm trong thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung đã đẩy tầng lớp doanh nhân đến tình trạng bị xã hội nhìn nhận gần như kẻ xấu - những kẻ ăn bám hoặc trục lợi bất chính. Kết quả là chúng ta có một đội ngũ doanh nhân không chuyên nghiệp, không có chiến lược dài hạn và không có tiêu chuẩn văn hóa. Trong đội ngũ doanh nhân vẫn tồn tại phổ biến lối kinh doanh chụp giật, phi pháp và không thực hiện đúng những nghĩa vụ của mình với nhà nước và xã hội. Nguy hiểm hơn là hiện tượng doanh nhân trục lợi hay tìm kiếm địa vị chính trị bằng cách liên kết, móc ngoặc với các thế lực chính trị thoái hóa hay tận dụng sơ hở của nhà nước diễn ra một cách phổ biến. Hiện tượng này tạo ra sự liên minh không minh bạch giữa chính trị và kinh tế. Đây là biểu hiện không lành mạnh của xã hội. Liên minh giữa chính trị và kinh doanh thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau đối với từng quốc gia và luôn là liên minh vô cùng nguy hiểm ở bất kỳ quốc gia nào. Đối với một nước đang phát triển như nước ta, liên minh này mới chỉ thể hiện ở mức độ thấp, đó chính là quá trình tham nhũng. Kinh doanh theo cách như vậy sẽ tạo ra một thị trường, một nền kinh tế không lành mạnh, tạo ra một tương quan cạnh tranh vốn dĩ là động lực cơ bản để phát triển kinh tế không lành mạnh, trong khi xây dựng nền kinh tế thị trường chính là xây dựng một môi trường cạnh tranh mà ở đó tất cả các yếu tố đều bình đẳng và tương thích với tiềm lực của mình. Việc thổi phồng các tiềm lực thông qua sự xúc tiến chính trị làm cho kinh doanh trở nên không còn lành mạnh nữa. Các hoạt động kinh doanh cụ thể không lành mạnh sẽ làm cho toàn bộ môi trường kinh doanh không lành mạnh và cản trở sự phát triển các năng lực tự nhiên. 
Cần phải khẳng định rằng, văn hóa kinh doanh là nền tảng tinh thần có tác dụng điều chỉnh các hành vi kinh doanh trong đời sống xã hội. Một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Vì thế, nền văn hóa kinh doanh mà chúng ta đang có nhất thiết phải được uốn nắn, sửa chữa các khuyết tật vốn có và bổ sung những đòi hỏi của cuộc sống đang xuất hiện. Điểm xuất phát phải là yếu tố con người, bởi vì, mọi sự phát triển đều có nguồn gốc từ năng lực và trí tuệ của con người. Điểm xuất phát đó chính là đội ngũ doanh nhân, hạt nhân của đời sống kinh doanh.
3. Xây dựng đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp
Như đã phân tích ở trên, chúng ta chưa có đội ngũ doanh nhân với đầy đủ phẩm chất cần có. Vì vậy, khởi điểm của quá trình uốn nắn văn hóa kinh doanh phải là việc xây dựng một đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp. Về bản chất, xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần phải được hiểu là xây dựng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Bởi vì, khu vực kinh tế tư nhân không chỉ có vai trò điều chỉnh toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế mà còn là nơi sản sinh các nhà kinh doanh thật sự. Nhà kinh doanh ở khu vực nhà nước do được nhà nước đảm bảo nên trách nhiệm của họ rất hạn chế. Địa vị của những doanh nhân này là địa vị chính trị chứ không phải là địa vị kinh tế. Đã là địa vị chính trị thì có thể khắc phục sự mất mát địa vị bằng những cách thức chính trị chứ không phải bằng cách thức kinh doanh. Chính các giám đốc của những doanh nghiệp tư nhân mới là những người phải đương đầu thực sự với rủi ro và phải cạnh tranh để hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh của mình. Khu vực kinh tế tư nhân, vì thế, là môi trường tốt nhất để rèn luyện một đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp.  
Việc xây dựng đội ngũ doanh nhân phải bắt đầu từ các cá thể chứ không phải từ tổ chức, tức là không được cưỡng ép quá trình này bằng những đòi hỏi trái tự nhiên. Đội ngũ doanh nhân hình thành một cách lành mạnh khi và chỉ khi mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân kinh doanh là những cá thể phát triển hoàn chỉnh. Sở dĩ đến nay chúng ta vẫn chưa có đội ngũ doanh nhân chuyên nghiệp là vì lâu nay chúng ta vẫn chưa nhận thức một cách rõ ràng rằng mỗi người sinh ra đã là một cá thể. Mỗi cá thể không chỉ là một thực thể sinh học mà còn là một thực thể văn hoá. Một cộng đồng doanh nhân đúng nghĩa phải là tập hợp các cá thể hoàn chỉnh cả về kỹ năng, trình độ và các tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh.
Để có một đội ngũ gồm các cá thể hoàn chỉnh về kỹ năng, trình độ, trước tiên là phải giải phóng sức sáng tạo và năng lực phát triển của mỗi cá nhân. Đây là điều mà từ trước đến nay chúng ta rất thiếu kinh nghiệm, do đó hầu như không chú trọng lắm đến việc đảm bảo tự do cho hoạt động kinh doanh, một hoạt động mang tính bản năng tự nhiên của con người. Một trong những yếu tố cạnh tranh của một cộng đồng xã hội chính là tính đa dạng của sự sáng tạo mà tính đa dạng của sự sáng tạo là hệ quả tất yếu của sự đa dạng của những năng lực cá nhân. Sự đa dạng ấy là kết quả trực tiếp của sự tôn trọng các giá trị cá nhân. Vì vậy, phát triển con người là phải tôn trọng các giá trị cá nhân, tạo không gian tự do cho sự phát triển năng lực tự nhiên, trong đó có tài năng kinh doanh. Bên cạnh đó, để phát triển đội ngũ doanh nhân một cách hoàn chỉnh, chúng còn có một nhiệm vụ nữa là xây dựng hệ tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh. Đây là nhiệm vụ không chỉ của doanh nhân mà còn của cả xã hội. Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, mỗi doanh nhân, hay mỗi cá thể kinh doanh, phải đạt tới những tiêu chuẩn nhất định. Vai trò của các quy tắc, các tiêu chuẩn chung đó là định hướng cho hoạt động của con người phù hợp và không đi ngược lại lợi ích chung. Vì thế, hệ tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh phải được xây dựng trên cơ sở những tiêu chuẩn nhân bản phổ quát, những tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh quốc tế và phải được sự chấp nhận của cộng đồng doanh nhân và sự đồng tình của toàn xã hội.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân cũng không thể không chú ý tới thái độ tôn trọng thực sự đối với tầng lớp doanh nhân. Việc báo chí tuyên truyền rầm rộ các giải thưởng sao đỏ, sao vàng chưa hoàn toàn phản ánh thái độ cần có của Đảng và Nhà nước đối với giới doanh nhân. Thậm chí, không ít người còn cho rằng, sự thể hiện ấy là thái quá, giống như sự sám hối đối với sự miệt thị các hoạt động kinh doanh trước kia, hay nói cách khác, đó chỉ là những động thái chính trị nhằm khích lệ doanh nhân. Thực ra, cái mà doanh nhân đi tìm không phải là địa vị chính trị mà là địa vị xã hội. Doanh nhân là những người ý thức đầy đủ và tỉnh táo về sự gia tăng các giá trị thông qua hành vi của mình vì gia tăng các giá trị là mục tiêu của kinh doanh. Xét theo quan điểm kinh tế của Adam Smith, sự gia tăng giá trị kinh doanh đó thậm chí còn mang lại những giá trị xã hội lớn hơn và đó là giá trị xã hội của nhà kinh doanh. Sự thừa nhận giá trị xã hội của nhà kinh doanh, do đó, là động lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của kinh tế.
Một vấn đề nữa cần phải quan tâm khi bàn về việc xây dựng đội ngũ doanh nhân, đó là cần nhận thức lại về chủ nghĩa yêu nước. Nếu như trước đây, yêu nước gắn liền với lòng căm thù giặc sâu sắc hay sự hy sinh để bảo vệ tổ quốc thì trong thời đại hiện nay, khi đất nước đã độc lập và thống nhất, yêu nước cần phải được hiểu là làm cho "dân giầu nước mạnh" như khẩu hiệu mà Đảng ta đã đề ra. Doanh nhân là những con người như thế bởi chính họ đem đến sự giàu có cho dân tộc, lợi ích của họ cũng chính là lợi ích của xã hội. Chúng ta hoàn toàn có thể coi doanh nhân thành đạt là nhân tài của đất nước. Điều đáng mừng là thế hệ trẻ ngày nay đã phần nào hiểu được sự tụt hậu của đất nước, họ khát khao đóng góp và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Cần phải khuyến khích và tạo không gian tự do cho sự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, đặc biệt là những nhân tố như thế.
Lời kết
Sự thịnh vượng của một quốc gia là kết quả của sự phong phú đời sống tinh thần, đời sống trí tuệ, đời sống tâm hồn của mỗi con người. Để có được sự phong phú ấy thì điểm xuất phát của nó là mỗi cộng đồng được cấu tạo bởi các cá thể có giá trị, mà một cá thể có giá trị phải bắt đầu từ một cá thể lành mạnh. Khi nào con người không nhận ra mình là một cá thể và chứng minh mình là một cá thể quan trọng hơn bất kỳ cái gì còn lại thì không thể có sự thịnh vượng. Cộng đồng doanh nhân cũng vậy, nếu không có tính cá thể hay chất lượng cá thể không trọn vẹn thì cũng không thể trở thành một cộng đồng mạnh và càng không thể góp phần đem lại sự giàu có và thịnh vượng cho quốc gia. Vì vậy, xây dựng một đội ngũ doanh nhân với những cá thể hoàn chỉnh là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Một đội ngũ doanh nhân lành mạnh sẽ là tiền đề của một nền văn hoá văn hoá kinh doanh lành mạnh và nền kinh tế chuyên nghiệp. Nền văn hóa kinh doanh ấy sẽ góp phần đưa cộng đồng kinh doanh Việt Nam cùng cả nước hội nhập vào đời sống kinh tế chính trị toàn cầu.
_____________________
Chú thích: Tác giả bài viết hiện là Chủ tịch – Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ (InvestConsulf Group). Đây là bài tham luận của tác giả tại Hội thảo về Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong toàn cầu hóa tổ chức tại Hà Nội tháng 5/2009 vừa qua. Được sự đống ý của Ông, chúng tôi xin giới thiệu trên trang web.vanhoahoc.edu.vn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét